Cuộc chiến giành thị phần bán lẻ

Posted
By lanchau

Do nhiều yếu tố tác động nên thị trường bán lẻ nước ta trong năm qua đã có sự tụt dốc so với các năm trước. Theo dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam phải mất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao nên cuộc chiến giành thì phần giữa doanh nghiệp nội và ngoại sẽ ngày càng gay gắt.

Cạnh tranh giành thị phần bán lẻ Cạnh tranh giành thị phần bán lẻ ngày càng khốc liệt. Ảnh minh họa

Thị trường tụt dốc

Năm 2008, theo bảng xếp hạng “Chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu” do Công ty Tư vấn A.T Keamey thực hiện, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, Việt Nam liên tục mất điểm trong mắt các nhà đầu tư. Cụ thể, năm 2009 thị trường bán lẻ của nước ta bị đánh rớt xuống hạng 6, năm 2010 xuống hạng 14, năm 2011 hạng 23 và năm 2012 xuống 32.

Nguyên nhân việc mất điểm của thị trường bán lẻ Việt Nam được cho do các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô bộc lộ nhiều bất ổn, khiến sức mua bị tác động mạnh; các nhà đầu tư gặp khó khăn trong khâu xin giấy phép, mở rộng hoạt động tham gia vào thị trường. Hơn nữa, ngành bán lẻ tại Việt Nam chưa được quy hoạch, nên các DN đầu tư tràn lan, thiếu định hướng, dẫn đến việc không khai thác được hết tiềm năng. Như các ngành kinh doanh khác, bán lẻ cũng cần có chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của các DN, nhưng thị trường trong nước hầu như quá yếu kém về các vấn đề này.

Năm 2012, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia có mức tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thì ở nước ta sức mua lại sụt giảm nghiêm trọng. Các chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam phải mất 2-3 năm nữa mới phục hồi và mất khoảng 10-15 năm mới bắt kịp các nước trong khu vực. Yếu tố bất lợi ngăn đà phát triển của ngành bán lẻ là giá thuê mặt bằng đắt đỏ và niềm tin của người tiêu dùng bị sụt giảm.

Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng nguyên nhân lớn nhất tạo ra khó khăn cho DN bán lẻ trong nước hiện nay là do chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhiên liệu, phí vận chuyển hàng hóa… tăng cao, trong khi sức mua giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn, sản xuất đình trệ, khiến cho DN bán lẻ phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa vì không đủ sức gánh lỗ. Năng lực tài chính yếu kém là lý do quan trọng nhất khiến các DN bán lẻ Việt Nam khó phát triển.

Một số DN bán lẻ cho biết vì không nhiều vốn nên không thể nào hợp tác với các DN khác hay các địa phương nhằm phát triển các sản phẩm đưa vào bán trong hệ thống siêu thị để cạnh tranh với các DN nước ngoài đang hoạt động trong cùng lĩnh vực. Một thống kê cho thấy doanh số bán hàng một ngày của siêu thị nước ngoài bằng tổng doanh số của 20 siêu thị trong nước. Riêng BigC Thăng Long tại Hà Nội đạt doanh thu 20 triệu USD/năm, trong khi hệ thống siêu thị của DN trong nước có quy mô khá chỉ đạt khoảng 5 – 7 triệu USD/năm.

Nhiều tiềm năng, khó khai thác

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá cao, ông Steven H L Goh, Chủ tịch Retail Asia Publishing, tạp chí bán lẻ hàng đầu Châu Á nhận xét, một trong những tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam đó là dân số 90 triệu dân, với cơ cấu dân số trẻ chiếm gần 50%. Những dân số trẻ sẽ là một trong những nhóm tiêu dùng, mua sản phẩm chủ lực trên thị trường bán lẻ cả hiện nay và trong tương lai. Tại Việt Nam, dân số có mức thu nhập trung bình sẽ tăng mạnh vào năm 2020 và theo đó mức tiêu thụ sẽ phát triển gần 7 lần. Tuy nhiên, tiềm năng là điều mà ai cũng nhìn thấy được nhưng khai thác tiềm năng đó như thế nào, lại là một thách thức với các nhà bán lẻ trong bối cảnh kinh tế suy thoái và người tiêu dùng đã, đang có sở thích, hành vi tiêu dùng ngày càng khác đi.

Hiện có khoảng 20 tập đoàn bán lẻ toàn cầu đang tham dự vào thị trường Việt Nam. Chiến lược hiện nay rõ nhất là kết hợp uyển chuyển giữa các mô hình trung tâm thương mại/đại siêu thị/chuỗi cửa hàng mini và các dịch vụ vệ tinh. Ở mặt này, cả Aeon, Lotte và BigC đều là các tay chơi đáng gờm.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ nội địa nhiều năm loay hoay ngay trên sân nhà, hệ thống phân phối truyền thống chật vật dịch chuyển sang kênh hiện đại. Theo các nhà phân tích, tùy điều kiện thị trường, thời gian chuyển đổi có thể mất 10 – 30 năm, nhưng kênh thương mại hiện đại Việt Nam cũng đã hơn 20 năm thay đổi kể từ khi các tập đoàn đa quốc gia đầu tiên về hàng tiêu dùng nhanh nhập cuộc, các siêu thị hiện đại đầu tiên ra đời từ năm 1994.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cơ hội khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn bởi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20%. Các nhà bán lẻ trong nước đến nay vẫn đang gặp bốn điểm yếu cố hữu: thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu chiến lược phát triển dài hạn, yếu về năng lực tài chính lẫn khâu dịch vụ hậu cần. Trong khi áp lực lớn nhất trong kinh doanh bán lẻ hiện đại là cần một công cụ quản lý hiệu quả, mạng lưới phân phối đa dạng và linh hoạt nhằm giảm chi phí để cạnh tranh. Quan sát thị trường cho thấy các hệ thống bán lẻ trong nước đã dịch chuyển quá chậm trong khi các tập đoàn với nhiều chục năm kinh nghiệm thị trường đã tiến khá nhanh với chiến lược đầu tư tiếp thị bài bản, chuyên nghiệp trong các khâu tổ chức trung gian phân phối, đại lý, nhượng quyền; vừa phát triển trực tiếp, vừa liên kết với các nhãn hiệu địa phương, đầu tư vào các hệ thống phân phối sẵn có để thúc đẩy quy mô.

Theo các chuyên gia kinh tế, “miếng bánh” bán lẻ tại Việt Nam đang có nguy cơ bị DN nước ngoài “nuốt chửng”. Không ít DN đang “lo ngay ngáy” vì “miếng cơm, manh áo” của mình đang bị đe dọa. Đại diện một siêu thị (đề nghị giấu tên) tiết lộ sức mua ở các siêu thị đang giảm từ 10 – 20%. Các siêu thị bây giờ đang phải co cụm, rút địa điểm. Hàng hóa tồn kho nhiều trong siêu thị, tính chuyên nghiệp, văn hóa kinh doanh ngày càng kém. Nhiều nhà sản xuất không dám đưa hàng hóa vào siêu thị và tự lập kênh phân phối riêng, như thế là “tự mình chặt tay mình” chứ chưa cần đến nước ngoài.

Hồng Loan

About Author