Doanh nghiệp bán lẻ nội ngày càng teo tóp

Posted
By lanchau

Trong khi doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài liên tục tăng trưởng doanh thu, thì doanh nghiệp nội địa lại ngày càng co cụm.

Vì sao doanh nghiệp trong nước lại mất thị phần ngay trên chính thị trường của mình là câu hỏi được phóng viên đặt ra với ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

bán lẻ Doanh nghiệp bán lẻ nội ngày càng teo tóp - Ảnh minh họa

Theo ông, vì sao doanh nghiệp trong nước lại bị mất thị trường bán lẻ nội địa?

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Doanh nghiệp nước ngoài được sự hỗ trợ, tiếp sức của công ty mẹ, nên họ rất trường vốn, vì thế họ có thể chịu lỗ 5 - 7 năm. Trong khi đó, với doanh nghiệp trong nước, không chỉ “mỏng vốn”, mà với cơ chế tài chính hiện tại chỉ lỗ 2 - 3 năm liên tục, ban lãnh đạo sẽ phải “ra đi” hoặc cũng không còn vốn để tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, trong khi doanh nghiệp trong nước phải vay vốn với lãi suất 15 - 17%/năm, thì doanh nghiệp nước ngoài như Metro Cash & Carry chẳng hạn, họ vay vốn ở nước ngoài với lãi suất 2 - 3%/năm. Phải vay vốn với lãi suất cao, nên hàng hoá bán ở siêu thị trong nước khó có thể cạnh tranh với các đại siêu thị, như Metro, Big C...

Có nghĩa là, để cạnh tranh chỉ cần giải quyết bài toán vốn và lãi suất?

Vốn và lãi suất chỉ là 2 yếu tố, còn nhiều yếu tố khác mà doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, doanh nghiệp nước ngoài có hệ thống siêu thị thu mua và phân phối trên toàn cầu, nên họ có thể chấp nhận bị lỗ ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, song có lãi ở Việt Nam và ngược lại. Không những có công nghệ quản lý ưu việt, doanh nghiệp nước ngoài còn mua tận gốc, bán tận ngọn theo chu trình khép kín từ sản xuất đến phân phối, nên giá bán lẻ hàng hoá rất cạnh tranh. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ như những con thuyền nan nhỏ, nhưng lại không biết kết hợp với nhau theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” khiến chi phí thu mua, vận chuyển, phân phối cao và thường xuyên bị nhà sản xuất ép giá.

Mấy năm trước đây, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, ngoài chính sách phát triển thị trường nông thôn, doanh nghiệp bán lẻ nội địa hầu như không được hưởng ưu đãi, chính quyền các địa phương cũng không có bất cứ chính sách nào để phát triển thị trường nội địa tại các khu đô thị. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề tế nhị khác khiến doanh nghiệp nội địa bị léùp vế. Tôi cho rằng, với cơ chế này, doanh nghiệp bán lẻ trong nước không bị mất thị phần mới là chuyện lạ.

Ông có thể nêu ví dụ về chuyện mà ông cho là tế nhị?

Tập đoàn Phú Thái là một trong những doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nhưng tham gia đấu giá một mảnh đất để mở siêu thị 3 năm không được, trong khi đó một doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chỉ mất một tháng đã “chiếm” ngay được mảnh đất ở vị trí đắc địa tại một khu đô thị lớn. Đến bây giờ tôi và lãnh đạo Tập đoàn Phú Thái cũng không hiểu tại sao không trúng đấu giá mảnh đất kể trên, chỉ biết rằng, khi doanh nghiệp nước ngoài “cắm” một đại siêu thị ở vị trí đắc địa, thì ngay lập tức, doanh số của doanh nghiệp nội địa trên địa bàn bị giảm ngay khoảng 30%.

Với sự cạnh tranh như hiện nay, trong vòng 5 năm trở lại đây, các thành viên nội địa của Hội Siêu thị Hà Nội kinh doanh thế nào, thưa ông?

Hệ thống siêu thị có thương hiệu như Apimex, Fivimart, Thái Hà, Hapro, Unimart, Phú Thái… chỉ đứng ở mức độ trụ vững, chứ phát triển thì khó. Hệ thống siêu thị nội địa ở Hà Nội có 60 địa điểm bán hàng, nhưng doanh thu bán hàng chỉ bằng khoảng 10 siêu thị nước ngoài trên địa bàn. Doanh thu của cả hệ thống siêu thị lớn cỡ như Hapro chỉ bằng 20% một siêu thị của Big C hay Metro Cash & Carry. Và đáng tiếc, cán cân doanh thu đang nghiêng dần về phía doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông, muốn vực dậy doanh nghiệp bán lẻ nội địa, phải làm gì?

Trước hết, phải khắc phục ngay những hạn chế yếu kém như tôi đã nói ở trên. Sau đó, chính quyền địa phương phải xây dựng lại quy hoạch hệ thống bán lẻ tại các đô thị: chỗ nào được xây dựng đại siêu thị, ở đâu được xây dựng siêu thị cỡ nhỏ. Hiện tại, do thiếu quy hoạch, quy hoạch không phù hợp và tính chất cục bộ địa phương, nên nhiều địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng… cho phép Big C mở đại siêu thị ở giữa thành phố, thì những siêu thị nhỏ của doanh nghiệp trong nước làm sao cạnh tranh nổi?

Chúng tôi và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị chỉ được phép mở đại siêu thị tối thiểu cách trung tâm thành phố 30 km như trường hợp của Melinh Plaza. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về mặt bằng, cơ chế ưu đãi về vốn và lãi suất tương tự như Chương trình bán hàng bình ổn giá, các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát kỹ tình trạng chuyển giá, buôn lậu và gian lận thương mại, trốn thuế.

Còn với doanh nghiệp, bên cạnh việc chủ động liên kết từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối; liên kết giữa các nhà phân phối bán lẻ với nhau; liên kết vùng; nâng cao khả năng quản lý…, nên bỏ ngay tâm lý “ăn xổi ở thì”, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, mà quên mất lợi ích lâu dài. Đơn cử, vào siêu thị nội địa dù chỉ mua 2 - 3 gói mì tôm, người tiêu dùng vẫn mất 3.000 - 5.000 đồng tiền gửi xe. Với cách kinh doanh này, nhiều người tiêu dùng không muốn vào siêu thị nội địa.

Theo Báo Đầu tư

About Author