Coca Cola "nếm trái đắng" từ chiến dịch quảng cáo quá thông minh
Sau thời gian ngắn nếm trái ngọt từ chiến dịch Marketing thông minh: Khắc tên người dùng trên sản phẩm thì giờ đây Coca Cola đứng trước nguy cơ ăn “quả đắng".
Rõ ràng người dùng Việt vẫn chưa quên nghi án trốn thuế của doanh nghiệp này và tiếp tục làn sóng tẩy chay mạnh mẽ...
Chiến dịch quảng bá "Khắc tên trên sản phẩm" của Coca Cola được giới Marketing nhận định là rất thành công khi đã đánh vào tâm lý tò mò của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ: Muốn có dấu ấn cá nhân trên những thương hiệu lớn, từ đó tạo ra một cuộc “ganh đua” rộng khắp giữa người dùng và mặc nhiên thương hiệu Coca Cola được lan tỏa miễn phí.
Đây là một chiêu quảng cáo mà doanh nghiệp có lợi tuyệt đối còn người dùng thì hỉ hả, tự hào vì đã được làm “đại sứ thương hiệu” một cách không chính thức và… không công.
Ảnh chế của cộng đồng mạng kêu gọi Coca Cola đóng thuế sau nghi vấn chuyển giá, né thuế trong gần 20 năm
Tuy nhiên như một chuyên gia Marketing đã từng nhận xét trước đó, có thể Coca Cola vẫn sẽ tiếp tục thành công với chiêu quảng bá này tại nhiều nước khác nữa nhưng tại Việt Nam, câu chuyện không đơn giản như vậy. Bởi nghịch lý 20 năm đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, Coca Cola liên tục báo lỗ và không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Rõ ràng chiêu PR này hay nhưng lại của một doanh nghiệp "chơi không đẹp" nên nó rất dễ trở thành con dao hai lưỡi.
Theo đó, khi cảm xúc về niềm tự hào "đại sứ thương hiệu" ảo qua đi, khi người dùng trở lại với sự thật, tình thế có thể bị lật ngược chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Bằng chứng là sau cả tháng nếm trái ngọt thành công, giờ đây Coca Cola có nguy cơ phải ăn “quả đắng”. Trên mạng xã hội và cả trên các phương tiện truyền thông, nghi án chuyển giá trốn thuế của Coca Cola lại một lần nữa được nhắc đến nhiều hơn.
Và thay vì ảnh lon Coca Cola với tên các cá nhân, giờ đây hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất lại là những chiếc lon với dòng chữ “Coca Cola hãy đóng thuế”, “Coca Cola chuyển giá”...
Ảnh chế của cộng đồng mạng trên Fanpage của Coca-Cola
Trên facebook và các diễn đàn mạng cũng đồng loạt xuất hiện nhiều hơn các trang mới do người tiêu dùng lập ra với nội dung kêu gọi tẩy chay và thức tỉnh trách nhiệm đối với xã hội của Coca Cola…
Bình luận về những động thái của Coca Cola, một thành viên trang “Thức tỉnh trách nhiệm Coca Cola” có trên 52.000 lượt “like” cho rằng: “Bản thân tôi nhận thấy Coca Cola đang lợi dụng người tiêu dùng Việt Nam thực sự. Vào nước ta đầu tư thì phải sinh ra quyền lợi cho đất nước ta chứ, đây thì thuế đến 1 đồng cũng không nộp (nhưng thực sự Coca Cola quá giỏi khi báo cáo thuế vẫn sạch sẽ trong những 20 năm liền). Nếu doanh nghiệp nào cũng như Coca Cola, chẳng khác nào người tiêu dùng Việt Nam đang bị "hút máu"...".
Một thành viên khác cũng vô cùng bức xúc và đưa ra lời kêu gọi “Tẩy chay Coca Cola” : "Tôi không đề cập tại sao cơ quan chức năng tại trong 20 năm không thu thuế Coca Cola được. Điều hiển nhiên ở đây là Coca Cola đã có gian trá và làm thiệt hại lợi ích của người dân Việt. Ngoài kia có bao nhiều người dân cơ cực, nều số tiền thuế đó được đầu tư tạo việc làm, cải thiện cuộc sống người dân sẽ tốt biết bao?
Là người Việt Nam tôi bảo vệ lợi ích của người dân Việt, nên sẽ tẩy chay Coca Cola. Hi vọng các bạn nghĩ đến lợi ịch của người Việt và làm điều đúng mang lại lợi ích cho người Việt”.
Ảnh chế của hội phản đối Coca Cola trên facebook
Bên cạnh đó, nhiều thành viên cho rằng, Coca Cola nếu thực sự chơi đẹp và để chiếm được cảm tình của người tiêu dùng một cách trọn vẹn thì nên học Starbucks trước khi có những chiến dịch như như vậy. Đó là các thức đơn giản và mạnh mẽ nhất để thể hiện tình yêu và trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Starbucks - tập đoàn kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới cũng từng lao đao khi bị người tiêu dùng ở Anh tẩy chay. Và để xoa dịu những chỉ trích, cuối năm 2012, Starbucks cam kết tự nguyện nộp thêm 20 triệu bảng (khoảng 32 triệu USD) tiền thuế doanh nghiệp ở Anh trong hai năm bất chấp có thu được lợi nhuận ở thị trường này hay không.
Cho đến thời điểm này, Starbucks cũng đã nộp 15 triệu bảng tiền thuế theo cam kết nhưng vẫn chưa thể lấy lại được những ấn tượng tốt đẹp từ phía người tiêu dùng.
Trang mạng kêu gọi ý thức trách nhiệm của Coca-Cola
Tại Việt Nam, cách đây vài năm, Vedan, nhãn hàng bột ngọt nổi tiếng cũng đã phải “xuống nước” khi mà họ thấm thía đến tận cùng sự sống còn khi bị người tiêu dùng “tẩy chay” bột ngọt Vedan - loại bột ngọt có vị đắng của nước sông Thị Vải.
Lãnh đạo Vedan cũng biết chắc chắn rằng, Vedan sẽ hết đường sống sót nếu sản phẩm bị người tiêu dùng Việt Nam “quay lưng”.
Người tiêu dùng có trong tay "quyền năng" mà không cơ quan nhà nước nào có được, đó là quyền "tẩy chay" những sản phẩm không mang lại những lợi ích gì cho bản thân, cho đất nước mình.
Từ xưa đến nay, người tiêu dùng chính là những người người nuôi dưỡng, khẳng định và gìn giữ cho thương hiệu của các sản phẩm, của doanh nghiệp. Nhưng họ cũng chính là người “quyết định sự sống còn” của chính doanh nghiệp trên thương trường. Tẩy chay là sự phản đối mạnh nhất của người tiêu dùng. Nó đồng nghĩa với sự phá sản của doanh nghiệp...
Theo Nhất Ngôn (GDVN / BVPL)