Cái "chết" đáng tiếc của những cộng đồng nổi tiếng
Để tạo ra 1 trang cộng đồng và thu hút thành viên tham gia vốn không phải là 1 điều dễ dàng nhưng để duy trì và phát triển nó còn khó khăn hơn gấp bội lần.
Trong bài này, người viết sẽ nêu ra 1 số nguyên nhân chính có thể khiến 1 trang cộng đồng “chết”. Những vấn đề đang làm đau đầu những người quản lý các trang cộng đồng hiện nay.Vì sao nhiều cộng đồng nổi tiếng “chết”?
Khái niệm “chết”: dùng để chỉ các trang web không còn tồn tại nữa, hoặc còn tồn tại nhưng ngừng hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng quá ít.
Nguyên nhân từ chính cộng đồng
Đầu tiên là xu hướng tham gia và đóng góp của người dùng với các trang cộng đồng thường không trung thành, một số người dùng có xu hướng ” Vui đâu chầu đấy” diễn đàn nào đông vui thì vào. Một số người dùng khác thì có vẻ vẫn trung thành với 1 trang, nhưng thời gian đầu, họ tích cực tham gia post bài, đóng góp về nội dung, nhưng sau 1 thời gian dài, càng ngày họ càng ít đóng góp và chỉ còn thói quen là vào trang xem có gì hay không rồi đi ra. Họ vẫn đăng nhập diễn đàn đấy nhưng không hoạt động gì, lặng lẽ như một “ninja”.
Ngoài ra còn có 1 vấn đề khác cũng khiến người dùng bỏ rơi trang cộng đồng. Đó là vì những mâu thuẫn cá nhân hoặc mâu thuẫn với nhóm hội khác. 1 thành viên trên diễn đàn V, 1 trong những diễn đàn đình đám nhất hiện nay đã từng tâm sự: “Thời gian đầu mình rất tích cực tham gia, nhưng càng về sau mình càng thấy diễn đàn có nhiều “trẻ trâu”, các post ngày càng nhảm và loãng nên mình không tham gia nữa”.
Vấn đề mâu thuẫn ở đây gồm rất nhiều khía cạnh giữa thành viên nam – thành viên nữ, thành viên lớn tuổi – ít tuổi, thành viên lâu năm – thành viên mới v.v.. Còn nhớ diễn đàn T, một trong những diễn đàn ra đời vào loại sớm ở Việt Nam và khá nổi tiếng, cho những du học sinh nước ngoài còn dùng khái niệm “hải đăng” và “chã” để chỉ 2 nhóm người dùng đối lập nhau. “Hải đăng” là để chỉ những người dùng quyền lực và có tiếng nói trong khi “chã” là để chỉ những người dùng “thấp cổ bé họng hơn”.
Phần lớn việc trang cộng đồng “chết” là do người dùng cũ thì không mặn mà gắn bó với cộng đồng nữa, người dùng mới thì không được công nhận và không có tiếng nói. Thành ra theo quy luật tất yếu, không có lớp người dùng mới thay thế lớp người dùng cũ đã cảm thấy nhàm chán, phạm vi cộng đồng trong trang đó sẽ ngày một hẹp đi và “chết dần chết mòn”.
Nguyên nhân từ yếu tố bên ngoài
Có lẽ cách nhanh nhất để 1 diễn đàn bị đóng cửa là việc họ không thể kiểm soát được nội dung hoặc thiếu kiến thức về luật pháp. Trường hợp của trang Chungta.com.vn là 1 ví dụ điển hình. Trang web này đã bị đóng cửa, sau khi bị các cơ quan chức năng phạt vì không có đủ giấy phép. Trước đó trang web này cũng tồn tại nhiều bài viết và nội dung được cho là “nhạy cảm”.
Gần đây nhất là diễn đàn B, nơi có thời hoạt động khá mạnh và lọt vào top 10 diễn đàn mạnh nhất Việt Nam. Nhưng sau khi box B.express của trang này bị phạt tiền và yêu cầu đóng cửa, số lượng người tham gia sụt giảm mạnh. Từ 1 diễn đàn trong top 20, diễn đàn này đã ra khỏi top 100 trang web được truy cập nhiều nhất Việt Nam của Alexa.
Đa phần các trang cộng đồng hiện nay vẫn đang gặp lại 1 vấn đề lớn: đó là vấn đề tài chính. Để duy trì 1 trang web, người quản lý trang đó buộc phải có đủ tiền để trả tiền thuê sever, đặt host, tên miền, tiền thuê người quản lý, viết nội dung, hoặc cộng tác viên v.v..
Nhiều trang cộng đồng hiện nay vẫn gặp phải tình trạng có cộng đồng, nhưng không thể nào kiếm được ra tiền. Chính vì không có đủ tài chính để duy trì trang web nên dần dần sever xuống cấp, nội dung không phát triển, các cộng tác viên tình nguyện không gắn bó lâu dài nên việc trang web đi xuống chỉ là vấn đề thời gian.
Ngoài các yếu tố trên thì hiện tại, các mạng xã hội lớn như Facebook, Google +, Tumblr .v.v... cũng tác động không nhỏ đến việc tồn tại của các trang cộng đồng Việt.
Các chức năng đang phát triển của Facebook như group, fanpage cũng dần dần thay thế được cho 1 diễn đàn, thậm trí các chức năng này còn tập trung người dùng theo mục đích, sở thích dễ dàng hơn cả diễn đàn và có tính tương tác cao hơn hẳn. Việc người dùng dịch chuyển dần sang việc sử dụng mạng xã hội nhiều hơn diễn đàn và các trang cộng đồng khác có lẽ là điều tất yếu.
Nguyên nhân từ phía chính những người quản lý
Có lẽ trang cộng đồng tồn tại hay không tồn tại, 99% đều do người quản lý quyết định. Để tạo ra và duy trì 1 trang cộng đồng không phải là 1 điều đơn giản, mỗi giai đoạn khác nhau của trang cộng đồng buộc người quản lý phải hiểu và nắm bắt được các xu thế cũng như hiểu cộng đồng của mình, để từ đó đề ra những giải pháp để phát triển trang cộng đồng của mình.
Các nguyên nhân từ phía người dùng và yếu tố bên ngoài, cũng là 1 trong số những vấn đề những nhà quản lý phải đối mặt và tìm biện pháp giải quyết. Từ các vấn đề định hướng người dùng, giải quyết bất hòa, tìm kiếm tài chính cũng như thành thạo về giấy tờ, luật pháp đều do người quản lý quyết định.
Bên cạnh đó các quy chế và ứng xử trên diễn đàn là lỗi không ít các admin hoặc smod các diễn đàn hay gặp phải. Việc xung đột, tranh cãi trên các diễn đàn là điều thường xuyên xảy ra, đứng trên phương diện 1 người quản lý, bạn sẽ làm gì? nếu không xử lý 1 cách khéo léo, các admin có thể sẽ gặp phải không ít sự phản đối đến từ cộng đồng, nhẹ thì mất uy tín, nặng thì bị tẩy chay. Ngoài ra, các quy chế và quy định của diễn đàn cũng góp phần ko nhỏ vào việc rời bỏ của các thành viên.
Gần đây nhất là khi 1 diễn đàn lâu năm của Việt Nam đổi cách thức đăng nhập, đã khiến các thành viên của một vài box cảm thấy bức xúc và quyết mở 1 trang web riêng để hoạt động cùng nhau.
Tóm lại, để thành lập và vận hành 1 trang cộng đồng là điều không hề đơn giản chút nào. Có thể trong quá trình vận hành 1 cộng đồng, sẽ có nhiều vấn đề, sự cố phát sinh. Người quản lý trang cộng đồng buộc phải giải quyết tốt các vấn đề này nếu không muốn cộng đồng của mình “chết”.
Bên cạnh đó, mỗi trang cộng đồng có 1 giai đoạn phát triển khác nhau và cần những định hướng khác nhau của người quản lý để phát triển nó. Hy vọng, các cộng đồng tại Việt Nam hiện nay sẽ tiếp tục lớn mạnh và thành công hơn nữa, để người dùng có nhiều sân chơi trên Internet hơn.
(Theo 24h)