Các yếu tố Google dùng để xếp hạng website - Phần 1: Tên miền

Tối ưu hóa website nhằm đạt được thứ hạng cao hơn trong kết quả tìm kiếm (SEO) luôn là thách thức không nhỏ đối với cộng đồng Digital Marketing nói chung - các SEOer nói riêng và cũng là mục tiêu của đại đa số doanh nghiệp đang tham gia thị trường TMDT trên toàn cầu. Và Google - cỗ máy tìm kiếm dân dụng phổ biến nhất hành tinh với những thuật toán phân tích phức tạp, chuyên sâu luôn sẵn sàng "làm khó" bất kỳ website nào. Vậy câu hỏi đặt ra là: "Google dựa vào những yếu tố nào để quyết định thứ hạng của một website?" - Nội dung trong series bài viết lần này sẽ cung cấp cho bạn đọc câu trả lời đầy đủ nhất. Và một ghi chú nho nhỏ trước khi bắt đầu: Các thông tin dưới đây - một số đã được chứng minh rồi; một số hẳn còn đang gây tranh cãi; một vài thứ khác thì là sự suy đoán của những người chuyên nghiên cứu SEO. Bạn đọc có thể tham khảo, nghiên cứu chuyên sâu và cùng đưa ra những nhận định, phân tích, phản bác... trong phần comment bên dưới nhé! Để các bạn hiểu rõ hơn, trong các phần mà tôi cảm thấy cần chú thích sẽ bổ sung thêm dấu (*) và giải thích ngay bên dưới nội dung đó luôn. Một số thuật ngữ rất hay được sử dụng trong bài:
  • SERP: nghĩa là trang kết quả máy tìm kiếm trả về, mỗi trang theo mặc định của Google có 10 kết quả
  • Site hoặc Website: là chỉ chung cả website bao gồm tất cả các trang (pages) trên website đó
  • Liên kết nội bộ (internal link): chỉ liên kết giữa các trang (pages) trên cùng website
  • Liên kết ngoài (external link): chỉ liên kết giữa các trang thuộc các website khác nhau
  • Backlink: nếu website A trỏ tới website B, thì website B được nói là có backlink từ website A trỏ đến. Hoặc cũng có thể nói website A có một liên kết ngoài (external link) trỏ đến website B.
  • Authority: tính thẩm quyền, ở đây đồng nghĩa với PageRank, một khái niệm tuy xưa cũ trong SEO, nhưng vẫn có nhiều giá trị.

Các yếu tố liên quan đến tên miền

1. Tuổi tên miền

Trong một video của mình, Matt Cutts (từng làm trưởng bộ phận chống spam của Google) nói rằng:
Sự khác biệt giữa tên miền sáu tháng tuổi và tên miền một năm tuổi là không thực sự lớn.
Nói cách khác, họ có sử dụng tuổi của tên miền trong thuật toán… nhưng nó có tầm quan trọng rất thấp. Matt Cutts nói về tuổi domain ảnh hưởng tới SEO P/S: đây là một trong các lý do xuất hiện thị trường chuyên mua bán các tên miền cũ. Có những người lọc lõi chuyên săn tên miền hết hạn có giá trị và mua lại để chính họ dùng hoặc bán cho người khác. Lý do là vì các tên miền có tuổi đời cao thường có giá trị nhiều hơn trong mắt Google, do nó tích lũy được nhiều nội dung và backlink. Tuy nhiên không phải không có rủi ro trong chuyện này, ở những phần kế tiếp bạn sẽ hiểu vì sao.

2. Từ khóa xuất hiện trong tên miền cấp cao nhất

Điều này không có tác dụng thúc đẩy thứ hạng như trước kia. Nhưng có từ khóa trong tên miền gốc vẫn thể hiện là một tín hiệu có liên quan… Một nghiên cứu của Verisign cho thấy, tên miền có từ khóa, ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ click trên SERP.

3. Từ khóa là từ đầu tiên trong tên miền

Tên miền bắt đầu với từ khóa nhắm đến có lợi thế hơn các tên miền không có từ khóa (hoặc có từ khóa nhưng nó nằm giữa, hoặc cuối tên miền).

4. Thời hạn còn lại của tên miền

Trong một bằng sáng chế của mình, Google tuyên bố: Các tên miền có giá trị (hợp pháp) thường mua tên miền trước vài năm, trong khi các tên miền bất hợp pháp hiếm khi sử dụng hơn một năm. Vì lý do đó, số ngày còn lại trước khi tên miền hết hạn có thể được sử dụng như một yếu tố trong việc dự đoán tính hợp pháp của một tên miền (legitimacy of a domain). P/S: Trong những thứ liên quan đến web, tên miền là một trong những cái có giá trị nhất, nhưng lại có giá thành rẻ nhất. Giá thuê tên miền một năm có thể chỉ ngang bằng (hoặc thậm chí là thấp hơn) giá thuê hosting một tháng. Vì thế bạn không nên tiếc tiền mua tên miền trong dài hạn, nhất là với các tên miền đã phát triển chắc chắn. Việc mất tên miền do quên không gia hạn không phải chuyện quá hiếm, và cái giá để lấy lại tên miền bị người khác mua mất thì không hề rẻ một chút nào. Lời khuyên là mua trước ít nhất 2 – 3 năm, và trong phần thanh toán bạn nhớ thiết lập thanh toán tự động, còn trong phần email thông báo nhớ chọn email bạn thường xuyên kiểm tra, để khi nhà cung cấp dịch vụ tên miền gửi thông tin, bạn sẽ nhanh chóng biết được.

5. Từ khóa trong subdomain

Các chuyên gia của Moz cho rằng từ khóa xuất hiện trong subdomain có thể làm tăng thứ hạng.

6. Lịch sử tên miền

Một website có quyền sở hữu không ổn định (volatile ownership) hoặc bị drop vài lần có thể khiến Google hiểu rằng công cụ tìm kiếm này cần “reset” lại lịch sử website, xóa bỏ các liên kết trỏ đến tên miền. Hoặc trong một số trường hợp, phạt tên miền có thể xảy ra với người mua mới. P/S: đây là lý do vì sao trước khi mua tên miền mới, bạn cần kiềm tra lịch sử của nó, xem ai đã từng mua nó rồi và họ đăng nội dung gì trên đó. Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn mua một tên miền trước đây chuyên làm việc gì đó xấu trong mắt của Google. Để biết lịch sử nội dung của trang web nào đó, bạn có thể sử dụng web.archive.org.

7. Tên miền khớp chính xác từ khóa

Tên miền khớp chính xác từ khóa (Exact Match Domains)* có thể vẫn cho bạn lợi thế nhỏ. Nhưng nếu trang EMD của bạn có chất lượng thấp, nó có thể bị ảnh hưởng bởi cập nhật EMD. (*): Ví dụ về tên miền EMD như chẳng hạn bạn muốn kinh doanh dịch vụ SEO và bạn mua tên miền dichvuseo.com - một tên miền tuyệt vời ông mặt trời phải không nào!?

8. Thông tin WhoIs công khai hoặc bảo mật

Thông tin WhoIs (*) bảo mật là một tín hiệu cho thấy “có điều gì đó cần phải giấu đi”. Matt Cutts từng nói về chuyện này như sau: …Khi tôi kiểm tra thông tin whois của các trang này, tất cả đều ghi “dịch vụ bảo vệ thông tin whois riêng tư”. Đây là điều tương đối bất thường…Việc bạn bật dịch vụ bảo vệ thông tin whois không được mặc định xem là xấu, nhưng một khi bạn thấy các yếu tố này xuất hiện cùng nhau, bạn có thể đoán rằng đây là một người quản trị web rất khác so với những người chỉ có một website. (*): WhoIs là dịch vụ cung cấp thông tin chủ sỡ hữu tên miền, thường bao gồm các thông tin như: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email. Luật mới yêu cầu thông tin chủ sỡ hữu WhoIs phải chính xác, cập nhật, nếu không có thể bị thu hồi tên miền. Thông thường thông tin WhoIs thì công khai, nhưng vì nhiều lý do (ngoài chuyện có thể website đó có ý đồ xấu nên phải giấu thông tin chủ sở hữu) mà chủ website có thể không muốn công khai thông tin này. Nguyên nhân hợp lý (hợp pháp) khác liên quan đến chuyện ẩn WhoIs bao gồm tránh lộ thông tin cá nhân để bị lợi dụng hoặc làm phiền.

9. Phạt chủ sở hữu Whois

Nếu Google phát hiện một cá nhân cụ thể nào đó là spammer, Google có khả năng sẽ kiểm tra cẩn thận các website khác cũng được sở hữu bởi người chuyên đi spam này.

10. Tên miền quốc gia cấp cao nhất (TLD)

Google sẽ địa phương hóa kết quả tìm kiếm nếu bạn lựa chọn những tên miền có TLD theo mã quốc gia. Ví dụ những nội dung của tên miền có đuôi là .vn sẽ được ưu tiên hiển thị tại cho người dùng trên đất nước Việt Nam thay vì các nước khác trên thế giới. Các tên miền quốc gia cấp cao nhất (chẳng hạn như .vn, .cn, .sg) có thể giúp website thăng hạng trong đất nước cụ thể nhưng có thể giới hạn khả năng trang được xếp hạng ở nơi khác (và trên toàn cầu nói chung).

(Google’s 200 Ranking Factors: The Complete List (2019) của Brian Dean)

Tags

About Author