Một nửa số doanh nghiệp Việt đã "qua đời"
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng trong mấy năm khó khăn vừa qua nếu căn cứ vào những số liệu chính thức của các cơ quan nhà nước công bố gần đây.
Vì sao một nửa số doanh nghiệp biến mất vẫn là ẩn số. Ảnh TL.
Theo cuộc điều tra cơ sở kinh tế, hành chính và sự nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố hôm 4/1/2013, cả nước chỉ còn 313.000 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến ngày 1/1/2012. Trong khi đó, trong một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Quốc hội trong kỳ họp thứ 2, thì tính đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 624.000 doanh nghiệp đăng ký.Như vậy, số doanh nghiệp còn hoạt động thực sự đã giảm tới một nửa (313.000) so với số doanh nghiệp đăng ký (624.000) tính đến thời điểm cách đây 1 năm, căn cứ theo báo cáo của hai cơ quan nhà nước có số liệu tốt nhất về doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cảnh báo rằng, những số liệu về doanh nghiệp có thể khác nhau nếu đặt trong thời điểm khác nhau.
Song ông Thức không giải thích vì sao lại có sự vênh nhau rất lớn về số lượng doanh nghiệp còn hoạt động và đăng ký cùng tính đến thời điểm cách đây 1 năm như vậy.
Hơn nữa, hai con số này cùng được đưa ra bởi một cơ quan vì Tổng cục Thống kê nằm trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Như vậy, sự biến mất của một nửa số doanh nghiệp Việt Nam chưa được giải thích thỏa đáng.
Trong khi đó, ông Lưu Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, lẽ ra tính đến thời điểm 1/1/2012 Việt Nam phải có 363.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thay vì 313.000 doanh nghiệp như Tổng cục Thống kê công bố.
Lý do là có tới 50.000 doanh nghiệp “có vẻ như đang còn hoạt động” dù không trả lời, không đồng ý gặp các điều tra viên của cuộc điều tra cơ sở kinh tế trên của Tổng cục Thống kê.
Ông Mạnh cho biết thêm, tính đến cuối năm 2012, Việt Nam ước tính có 475.000 doanh nghiệp trên cả nước, trên cơ sở đang có 363.000 doanh nghiệp đến cuối năm 2011.
Lý do là trong năm 2012 có tới thêm 110.000 doanh nghiệp xuất hiện, trong số đó có gần 70.000 doanh nghiệp đăng ký mới, 22.500 doanh nghiệp đang chuẩn bị đi vào sản xuất kinh doanh, và 21.000 doanh nghiệp là “sai số” giữa ba cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, và Tổng cục Thuế.
Theo cuộc điều tra trên của Tổng cục Thống kê, dù có 313.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thì số doanh nghiệp đang tồn tại cao hơn, ở mức 342.000, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2007 (125.000). Khối doanh nghiệp thu hút 10,9 triệu lao động, tăng 65% (4,3 triệu người) so với 6,6 triệu lao động năm 2007.
Theo Cục Thống kê TPHCM, năm 2012, toàn thành phố có 23.708 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,5% so với năm 2011. Tổng số doanh nghiệp ngưng nghỉ 11 tháng đầu năm là 21.746 doanh nghiệp, bằng 96,2% số doanh nghiệp mới được cấp mã số thuế; trong đó đã khóa mã số thuế và chờ khóa mã số thuế chiếm 41%, không có tại địa chỉ kinh doanh chiếm 29,8%. Còn theo Cục Thống kê Hà Nội, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2012 là 15.000 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 83.000 tỉ đồng, bằng 90% về số doanh nghiệp và 70% về vốn đăng ký so với năm trước. Cục này không đưa ra số doanh nghiệp đóng cửa, song theo Cục Thuế Hà Nội, tính đến hết tháng 11 có tới 12.249 doanh nghiệp ngừng hoạt động.Theo KTSG