Thương hiệu: muốn thành công chỉ cần đặt tên ngoại?

Posted
By lanchau

Điều khá thú vị với thương hiệu giày Vascara là ở chỗ, họ nói đã mua nhượng quyền ở Brazil nhưng thông tin thương hiệu này ở thị trường nước ngoài hầu như không tìm thấy.

vascara Một cửa hàng của "thương hiệu từ Brazil" - Vascara

Công ty sở hữu Vascara là Bình Phạm bán hàng rất khá với cái tên Tây này. Khởi đầu từ năm 2007, chỉ trong vòng 2 năm sau đó doanh thu của thương hiệu này đã tăng từ 6,8 tỉ đồng lên hơn 40 tỉ đồng/năm. Hiện chuỗi cửa hàng giày dép, túi xách thời trang Vascara đã mở rộng lên hơn 20 chi nhánh tại TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành lớn.

Không biết thương hiệu này có tồn tại ở Brazil hay không, hay là công ty Việt Nam tự đặt tên đó cho oai? Và nếu có thì ở nước ngoài, thương hiệu này lớn hay nhỏ? Điều đó không quá quan trọng, chỉ cần cái tên Tây là đủ.

Trường hợp của Công ty ICP với dầu gội đầu dành cho nam X-Men là một ví dụ khác cho thấy hiệu quả của việc đặt tên "ngoại" cho sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

Thời điểm giữa những năm 2000, khi mà thị trường dầu gội đang bị thống lĩnh bởi bộ đôi Unilever-P&G thì Công ty ICP bất ngờ tung ra dòng sản phẩm dầu gội dành cho nam X-Men và đạt mức doanh thu tăng đột biến.

Có 2 lý do chính cho thành công của họ. Đầu tiên, ICP phát hiện và đánh trúng phân khúc sản phẩm dành riêng cho nam giới khi đó vẫn còn bỏ ngỏ. Kế đến, thiết kế hiện đại của bộ sản phẩm cùng cái tên rất Mỹ là X-Men đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của thị trường, cho dù đây là một sản phẩm nội 100%.

Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny (Canada), cho rằng chiến lược bàn đạp bằng nhãn mác nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp tham gia vào thị trường dễ hơn nhờ tâm lý sính đồ ngoại của người Việt. Chiến thuật này phù hợp với những đơn vị có sẵn cơ sở vật chất nhưng chưa đủ khả năng tự xây dựng thương hiệu.

Còn theo chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, thay vì xây dựng thương hiệu ngay từ đầu mất nhiều thời gian mà tỉ lệ thất bại không nhỏ, các doanh nghiệp nội có thể dùng thương hiệu ngoại làm bàn đạp tiến vào thị trường.

Ngoài ra, ở một số lĩnh vực như thời trang, điện tử... thì những cái tên nước ngoài thường sẽ được khách hàng Việt ưa chuộng và tin dùng hơn, nếu chất lượng tương xứng với giá tiền.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp dùng chiêu đặt tên ngoại cho sản phẩm là khi khách hàng phát hiện ra nguồn gốc Việt của thương hiệu và sản phẩm là hàng nội chứ không phải ngoại nhập sẽ dẫn đến tâm lý thất vọng, cảm thấy bị lừa dối và rời bỏ thương hiệu.

(Theo báo Nhịp cầu đầu tư)

Comments

Jenny (not verified)    Sat, 08/10/2013 - 23:10

In reply to by Anonymous (not verified)

Một câu hỏi lớn đây, sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Cá nhân tôi thì cho rằng, ở Việt Nam bây giờ thì điều đó là đúng, ít nhất là có cơ sở với những "thương hiệu ngoại" đã được đề cập ở trên, và dựa vào tâm lý "sính hàng ngoại" đã ăn sâu vào đầu người tiêu dùng Việt bao đời nay. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, với kiểu kinh doanh có phần "lừa gạt" người tiêu dùng như vậy, thì liệu các thương hiệu đi theo định hướng này liệu có được thành công lâu dài hay không? Mặc dù có thể viện dẫn chất lượng sản phẩm và giá thành tốt ra để bù đắp trong trường hợp nguồn gốc sản phẩm bị phanh phui, tuy nhiên người tiêu dùng cũng không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng: "bấy lâu nay mình mua sp và tự hào là đang sở hữu thương hiệu lớn, thương hiệu ngoại - giờ thì..." hay "phải có lý do gì đó thì họ mới phải lừa như vậy?"... Rõ ràng, chiến lược này là con dao hai lưỡi quyết định thành công hay thất bại của một thương hiệu, cần cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà lòng tự tôn dân tộc trong tiêu dùng của người Việt đang dâng cao, và người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm hiểu thông tin sản phẩm kỹ hơn trước khi quyết định mua hàng.

About Author